Khu BTTN Ngọc Linh (Kon Tum)

Tên khác:

Ngọc Linh

Tỉnh:

Kon Tum

Diện tích:

41.424 ha

Tọa độ:

15°00' - 15°18' N, 107°41' - 108°01' F

Vùng sinh thái nông nghiệp:

Tây Nguyên

Có quyết định của Chính phủ:

Đã thành lập Ban Quản lý:

Đã được xây dựng kế hoạch đầu tư:

Đáp ứng các tiêu chí của VCF:

A, B, C

Đáp ứng các tiêu chí xã hội:

Không

Báo cáo đánh giá nhu cầu bảo tồn:

Không

Kế hoạch quản lý:
Không

Đánh giá công cụ theo dõi:

Không

Có bản đồ vùng:

Không


Lịch sử hình thành

Ngọc Linh có trong Quyết định số 194/CT ngày 09/08/1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, là một khu bảo tồn thiên nhiên với diện tích 20.000 ha ở tỉnh Gia Lai - Kon Tum trước đây (Bộ NN&PTNT, 1997). Năm 1993, tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) đã yêu cầu Bộ Lâm nghiệp cho phép xây dựng một dự án đầu tư chung cho Khu Bảo tồn Thiên nhiên Núi Ngọc Linh. Trong cùng năm này, Đoàn Điều tra Tây Bắc (thuộc Viện Điều tra Quy hoạch Rừng) đã tiến hành khảo sát thu thập những số liệu có liên quan để xây dựng dự án đầu tư cho núi Ngọc Linh. Dự án đầu tư hoàn thành năm 1994 với đề xuất thành lập một khu bảo tồn thiên nhiên có diện tích 51.053 ha (Anon. 1994). Tuy nhiên, do khu đề xuất bảo tồn thiên nhiên này thuộc địa giới hành chính của hai tỉnh sẽ có những khó khăn về quản lý nên dự án đầu tư này không được Bộ phê chuẩn (Anon. 1998).

Năm 1998, kế hoạch đầu tư cho khu bảo tồn thiên nhiên với diện tích 41.424 ha tại tỉnh Kon Tum được Viện Điều tra Quy hoạch Rừng và Birdliffe International xây dựng (Anon. 1998). Dự án đầu tư Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ngọc Linh Kon Tum đã được UBND tỉnh Kon Tum chính thức phê chuẩn ngày 12/10/1998 theo Công văn số 69/TT-UB, và Bộ NN& PTNT phê chuẩn ngày 09/02/1999 theo Quyết định số 559/BNN-KH (Lê Trọng Trải et al. 1998). Đến nay, kế hoạch đầu tư và Ban quản lý vẫn chưa được xây dựng tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ngọc Linh tại tỉnh Quảng Nam (xem phiếu thông tin Ngọc Linh - Quảng Nam).

Ban quản lý Khu BTTN Ngọc Linh - Kon Tum đã được thành lập với 53 cán bộ, một trụ sở và 7 trạm bảo vệ được trang bị đầy đủ các thiết bị thông tin liên lạc, ô tô và 10 xe máy (Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, 2000).

Ngọc Linh - Kon Tum có trong danh lục các khu rừng đặc dụng Việt Nam đến năm 2010 được xây dựng bởi Cục Kiểm lâm - Bộ NN&PTNT với diện tích 41.424 ha (Cục Kiểm lâm, 2003), danh lục này hiện vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt.

Địa hình và thủy văn

Khu BTTN Ngọc Linh (Kon Tum) thuộc huyện Đăk Glêi và Đăk Tô ở dẫy Trung Trường Sơn. Khu BTTN nằm trên vùng Cao nguyên Kon Tum của Tây Nguyên. Trong địa bàn khu bảo tồn có nhiều núi cao và dốc như Ngọc Tion (2.032 m), Ngọc Peukpee (1.728 m) và Ngọc Lum Heo (2.030 m) ở phía bắc; Ngọc Lepho (2.070 m) và Ngọc Pa (2.251 m) ở phía đông nam khu bảo tồn. Đỉnh cao nhất trong khu bảo tồn chính là núi Ngọc Linh cao đến 2.598 m, núi này có độ dốc rất cao từ đỉnh xuống đến 300 m ở thung lũng Đăk Mỹ. Núi Ngọc Linh cũng là ngọn núi cao nhất của vùng Tây Nguyên. Ở phía tây nam của khu bảo tồn, độ dốc tương đối thoải hơn với độ cao từ khoảng 900 đến 1.200 m (Lê Trọng Trải et al. 1999).

Nhìn chung, các sông suối ở Khu BTTN Ngọc Linh (Kon Tum) đều hẹp và có dòng chảy xiết. Trong mùa mưa, nước ở hầu hết các sông đều lên xuống thất thường gây ra lũ quét, sạt lở và xói mòn. Lũ thường phá hủy những vùng thấp, đặc biệt là những vùng canh tác nông nghiệp và các công trình thủy lợi. Sự thoát nước ngầm thường xảy ra rất nhanh do đất phù sa ở vùng này thường là loại có hạt to, có tỷ lệ cát cao và rất xốp (Lê Trọng Trải et al. 1999).

Các ngọn núi ở Khu BTTN Ngọc Linh (Kon Tum) hình thành nên vùng thượng nguồn của ba hệ thống sông chính là các sông Đăk Mek, Đăk Pu Ko và Đăk Plô. Sông Đăk Mek chảy về hướng bắc là tỉnh Quảng Nam và nhập với sông Đăk Sê đổ ra biển Đông ở Thành phố Đà Nẵng. Sông Đăk Pu Ko chảy về hướng nam đi qua tỉnh Kon Tum là một trong những nguồn nước quan trọng nhất cung cấp cho nhà máy thủy điện Ya Ly. Sông Đăk Plô chảy về hướng tây đổ vào đất Lào cung cấp một phần nước cho sông Mê Kông (Lê Trọng Trải et al. 1999).

Đa dạng sinh học

Khu BTTN Ngọc Linh (Kon Tum) có 88% diện tích là đất có rừng tự nhiên. Kiểu rừng chính là rừng thường xanh núi thấp và rừng thường xanh núi cao (Lê Trọng Trải et al. 1999).

Rừng thường xanh núi cao phân bố ở độ cao trên 2000 m. Kiểu rừng này hầu như còn chưa bị tác động và thường ưu thế bởi các loài của các họ Long não Lauraceae, Dẻ Fagaceae, Chè Theaceae, Nhân sâm Araliaceae, Mộc lan Magnoliaceae và Thích Aceraceae. Các loài ưu thế nhất bao gồm Sồi/Dẻ Pentaphylax spp., Quercus spp., Lithocarpus spp., Cà ổi Castanopsis spp., Màng tang Litsea verticillata, Dung sạn Symplocos cochinchinensis, Súm Eurica japonica, Côm Elaeocarpus spp., Chắp tay Exbucklandia tonkinensis, E. populnea, và Sơn hương viên Turpinia montana. Ngoài ra, trong kiểu rừng này có sự tham gia của một số loài hạt trần như Thông nàng Podocarpus imbricatus, P. neriifolius, Thông Đà lạt Pinus dalatensis Hoàng đàn giả Dacrydium elatum (Lê Trọng Trải et al. 1999).

Rừng thường xanh núi thấp phân bố ở độ cao từ 1000 đến 2000 m. Kiểu rừng này ưu thế bởi các loài cây gỗ lá rộng thường xanh, điển hình nhất là các họ Dẻ Fagaceae và Long não Lauraceae với các loài như Lithocarpus spp., Quercus spp. và Cinnamomum spp. Thảm thực vật tự nhiên ở đai cao dưới 1000 m là rừng thường xanh đất thấp, nhưng kiểu rừng này đã và đang bị tác động quá nhiều bởi các hoạt động khai thác gỗ và phá rừng làm nương rẫy, do đó, hầu hết những vùng bên dưới độ cao 1000 m đều ưu thế bởi các kiểu thảm thực vật thứ sinh (Lê Trọng Trải et al. 1999).

Kết quả hai đợt điều tra thực địa của BirdLife và Viện Điều tra Quy hoạch Rừng thực hiện trong các năm 1996 và 1998 đã ghi nhận 878 loài thực vật bậc cao có mạch tại Khu BTTN Ngọc Linh (Kon Tum), trong đó có một số loài đang bị đe dọa trên toàn cầu như Thông Đà lạt Pinus dalatensis, Sam bông Amentotaxus poilanei. Ngoài ra, tại khu vực ghi nhận được 9 loài thực vật đặc hữu cho Việt Nam (Lê Trọng Trải et al. 1999).

Các lần điều tra trên cũng đã ghi nhận 306 loài động vật có xương sống ở Khu BTTN Ngọc Linh (Kon Tum), trong đó có 52 loài thú, 190 loài chim, 41 loài bò sát và 23 loài lưỡng thê. Kết quả định loại các mẫu tiêu bản do thợ săn bắn được trong vùng đã phát hiện hai loài thú lớn mới được mô tả trong thời gian gần đây là Mang lớn Megamuntiacus vuquangensis và Mang Trường sơn M. truongsonensis (Lê Trọng Trải et al. 1999).

Trong tổng số 190 loài chim đã được ghi nhận tại Ngọc Linh (Kon Tum) có 6 loài đang bị đe dọa hoặc sắp bị đe dọa trên toàn cầu gồm có cả hai loài lần đầu tiên phát hiện tại khu vực là Khướu ngọc linh Garrulax ngoclinhensis (Eames et al. 1999a) và Khướu vằn đầu đen Actinodura sodangorum (Eames et al. 1999b). Đây là hai loài chim mới được phát hiện lần đầu tiên tại vùng Đông Nam Á trong vòng 30 năm qua.

Tính cả hai loài mới được ghi nhận, khu vực có 7 loài chim có vùng phân bố giới hạn, do vậy được đưa vào vùng chim đặc hữu cao nguyên Kon Tum (Lê Trọng Trải et al. 1999). Ngoài ra, Khu BTTN là một phần của hai vùng chim quan trọng Ngọc Linh và đèo Lò Xo (Tordoff, 2002).

Các vấn đề về bảo tồn

Vùng đệm của Khu BTTN Ngọc Linh (Kon Tum) được xác định với tổng diện tích là 59.767 ha. Tổng số có 13.876 khẩu sinh sống trong vùng đệm, hầu hết là người Xê Đăng, Dẻ và Dẻ Triêng. Phương thức canh tác nông nghiệp chủ yếu trong vùng đệm là canh tác ruộng nước và nương rẫy. Bốn mối đe dọa chính đối với tính đa dạng sinh học của Khu BTTN Ngọc Linh (Kon Tum) có thể thấy là phá rừng làm nương rẫy, săn bắn động vật rừng, khai thác gỗ và lâm sản trái phép và cháy rừng. Hiện tại vẫn còn 5 lâm trường quốc doanh hoạt động trong vùng. Tuy nhiên, chỉ có Lâm trường Rừng Thông là còn tiến hành khai thác gỗ với khối lượng 6000 m3 gỗ một năm (Lê Trọng Trải et al. 1999).

Các giá trị khác

Rừng ở Khu BTTN Ngọc Linh (Kon Tum) đóng vai trò rất quan trọng trong việc phòng hộ đầu nguồn cho một số sông lớn ở hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Những con sông này cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho hàng ngàn héc-ta đất nông nghiệp và là nguồn nước sinh hoạt chính cho hàng ngàn hộ dân sống ở vùng hạ lưu. Thêm vào đó, rừng ở Ngọc Linh (Kon Tum) cung cấp một phần nguồn nước cho Nhà máy Thủy điện Ya Ly (Lê Trọng Trải et al. 1999).

Các dự án có liên quan

Chưa có thông tin.

Đánh giá nhu cầu bảo tồn

Nhu cầu bảo tồn chưa được đánh giá.

Kế hoạch quản lý

Khu vực chưa xây dựng được kế hoạch quản lý.

Sự phù hợp với các tiêu chí VCF

Ngọc Linh (Kon Tum) phù hợp để được nhận tài trợ VCF do đáp ứng được các tiêu chí A, B và C.

Tiêu chí

Sự phù hợp

AI

CA1 - Trung Trường Sơn

AII

VN043 - Ngọc Linh, VN046 - Lò Xo

BI

Quyết định số 194/CT, ngày 09/08/1986

BII

Bảo tồn thiên nhiên

BIII

Thuộc sự quản lý của UBND tỉnh

CI

Ban quản lý đã thành lập

CII

 

Thể hiện các nhu cầu xã hội

Chưa có báo cáo thể hiện nhu cầu xã hội.

Tiêu chí

Sự phù hợp

A

 

B

 

C

 

D

 

Tài liệu tham khảo

Anon. (1994) "Investment plan for Ngoc Linh Nature Reserve, Kon Tum and Quang Nam-Da Nang provinces". Hanoi: Forest Inventory and Planning Institute. In Vietnamese.

Anon. (1998) "A report on the socio-economic situation in the buffer zone of Ngoc Linh Nature Reserve". Hanoi: BirdLife International Vietnam Programme and the Forest Inventory and Planning Institute. In Vietnamese.

Averyanov, L. V. (1996) New species of orchids (Orchidaceae) from Vietnam. Botanical Journal 81(10): 73-83.

Eames, J. C. (2002) Eleven new sub-species of babbler (Passeriformes: Timaliinae) from Kon Tum province, Vietnam. Bull. Brit. Orn. Club 122(2): 109-141.

Eames, J. C., Le Trong Trai and Nguyen Cu (1999a) A new species of laughingthrush (Passeriformes: Garrulacinae) from the Western Highlands of Vietnam. Bull. Brit. Orn. Club 119(1): 4̣15.

Eames, J. C., Le Trong Trai, Nguyen Cu and Roland Eve (1999b) New species of barwing Actinodura (Passeriformes: Sylviidae: Timaliinae) from the Western Highlands of Vietnam. Ibis 141: 1̣10.

Le Trong Trai (1999) "What's new at Ngoc Linh (Kon Tum) Nature Reserve". Lam Nghiep "Vietnam Forest Review" June 1999: 36-40 and 45-46. In Vietnamese.

Le Trong Trai, Bui Dac Tuyen, Le Van Cham, Nguyen Huy Dung, Ha Van Hoach, Nguyen Van Sang, Monastyrskii, A. L. and Eames, J. C. (1998) "An investment plan for Ngoc Linh Nature Reserve, Kon Tum province". Hanoi: BirdLife International Vietnam Programme and the Forest Inventory and Planning Institute. In Vietnamese.

Le Trong Trai, Eames, J. C. and Monastyrskii, A. L. (1998) "A report on the fauna of Ngoc Linh Nature Reserve, Kon Tum province". Hanoi: BirdLife International Vietnam Programme and the Forest Inventory and Planning Institute. In Vietnamese.

Le Trong Trai, Richardson, W. J., Bui Dac Tuyen, Le Van Cham, Nguyen Huy Dung, Ha Van Hoach, Nguyen Van Sang, Monastyrskii, A. L. and Eames, J. C. (1999) An investment plan for Ngoc Linh Nature Reserve, Kon Tum province: a contribution to the management plan. Hanoi: BirdLife International Vietnam Programme and the Forest Inventory and Planning Institute.

Le Van Ty (1999) "Biodiversity conservation at Ngoc Linh Nature Reserve". Lam Nghiep "Vietnam Forest Review" July 1999: 29-30. In Vietnamese.

Tordoff, A. W. ed. (2002) Directory of important bird areas in Vietnam: key sites for conservation. Hanoi: BirdLife International in Indochina and the Institute of Ecology and Biological Resources.

Vietnam News (2000) EC helps Vietnam establish three new nature reserves. Vietnam News 16 June 2000.

Vietnam News (2001) Ngoc Linh ginseng re-invigorates lives of Kon Tum farmers. Vietnam News 13 March 2001.

Vietnam News (2002) Kon Tum declares second reserve. Vietnam News 20 July 2002.

Vietnam News (2002) Rare tree identified in Central Highlands. Vietnam News 9 March 2002.