Khu BTTN Nam Nung
Lịch sử hình thành Khu Bảo tồn Thiên nhiên Nam Nung có tên trong Quyết định 194/CT, ngày 9/8/1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng với diện tích đề xuất là 20.000 ha (Bộ NN&PTNT, 1997). Năm 1994, Viện Điều tra Quy hoạch Rừng phối hợp với Trường Đại học Lâm nghiệp, Sở NN&PTNT Đăk Lăk, Đoàn Điều tra Quy hoạch tỉnh Đăk Lăk tiến hành khảo sát đa dạng sinh học và xây dựng dự án đầu tư cho Khu BTTN Nam Nung. Diện tích của khu bảo tồn được đề xuất trong dự án đầu tư là 10.849 ha, trong đó diện tích phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 6.156 ha và phân khu phục hồi sinh thái 4.693 ha (Anon. 1994). Ngày 12/2/1995 Bộ NN&PTNT đã phê duyệt dự án theo Công văn số 335/LN-KH, và đến ngày 30/10/1996 Uỷ ban Nhân dân tỉnh cũng đã phê duyệt dự án đầu tư theo Quyết định số 2067/QĐ-UB (Sở NN&PTNT tỉnh Đăk Lăk, 2000). Ban quản lý khu bảo tồn đã được thành lập trên cơ sở quyết định phê duyệt dự án đầu tư của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đăk Lăk. Hiện nay, Ban quản lý có 14 cán bộ, có một trụ sở và 3 trạm bảo vệ (Sở NN&PTNT tỉnh Đăk Lăk, 2000). Nam Nung có trong danh lục các khu rừng đặc dụng Việt Nam đến năm 2010 được xây dựng bởi Cục Kiểm lâm - Bộ NN&PTNT với diện tích 10.849 ha (Cục Kiểm lâm, 2003), danh lục này hiện vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt. Địa hình và thủy văn Khu BTTN Nam Nung ở phía tây nam tỉnh Đăk Lăk, trên địa bàn của xã Quảng Sơn (huyện Đăk Nông) và các xã Đức Xuyên, Nam Nung (huyện Krông Nô). Khu bảo tồn nằm ở trung tâm Tây Nguyên, có địa hình cao nguyên. Khu vực nằm trong khối núi dâng lên từ cao nguyên, có đỉnh cao nhất là núi Nam Jer Bri 1.578 m. Độ cao trung bình phần cao nguyên còn lại khoảng 800 m. Trong khu bảo tồn có hai hệ thống suối chính: Hệ thống các con suối phía bắc khu bảo tồn chảy vào suối Đăk Pri và hệ thống các con suối ở phía nam chảy vào suối Đăk N'Tao. Cả hai hệ suối này đều chảy vào sông Krông Nô. Đa dạng sinh học Khu bảo tồn thiên nhiên có 3 kiểu thảm thực vật chính là: Rừng nhiệt đới thường xanh núi thấp, rừng nhiệt đới thường xanh đất thấp và kiểu rừng nửa rụng lá đất thấp. Rừng nhiệt đới núi thấp phân bố ở độ cao trên 1.000 m với thực vật ưu thế thuộc các họ: Re Lauraceae, Dẻ Fagaceae, Chè Theaceae, Mộc lan Magnoliaceae, Kim giao Podocarpaceae và Đỗ quyên Ericaceae. Kiểu rừng này còn có kiểu phụ rừng nhiệt đới hỗn giao cây lá rộng, lá kim trên núi thấp, phân bố ở độ cao 1.000 - 1.300 m. Các loài cây lá kim xuất hiện trong kiểu phụ này gồm: Thông nàng Podocarpus imbricatus và Kim giao Decussocarpus fleuryi; các loài cây lá rộng ưu thế gồm: Sụ Phoebe sp., Cà ổi Ấn độ Castanopsis indica và Giổi Michelia mediocris. Kiểu rừng nhiệt đới thường xanh đất thấp phân bố ở đội cao từ 800 - 1.000 m. Thực vật ưu thế trong kiểu rừng này thuộc về các loài: Sao đen Hopea odorata, Dầu rái Dipterocarpus alatus và một số loài thuộc họ Re Lauraceae và họ Dẻ Fagaceae. Kiểu rừng nửa rụng lá phân bố ở độ cao dưới 800 m, với các loài thực vật ưu thế thuộc họ Dầu Dipterocarpaceae (Anon. 1994). Theo dự án đầu tư, có 408 loài thực vật bậc cao có mạch, 58 loài thú, 127 loài chim và 33 loài bò sát đã ghi nhận cho khu bảo tồn (Anon. 1994). Tuy nhiên, nguồn gốc của các tài liệu này chưa được xác định rõ ràng, đồng thời các loài có liên quan đến bảo tồn nêu trong dự án đầu tư cũng cần được xác minh lại. Các vấn đề về bảo tồn Trong dự án đầu tư, vùng đệm của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Nam Nung có diện tích 9.307 ha, thuộc 3 xã: Nam Nung, Đức Xuyên và Quảng Sơn. Dân số trong vùng đệm 356 người thuộc dân tộc M'Nông (Anon. 1994). Trong khu bảo tồn thiên nhiên không có dân sinh sống (Sở NN&PTNT tỉnh Đăk Lăk, 2000). Do đó, áp lực của người dân địa phương đối với tài nguyên thiên nhiên trong khu bảo tồn hiện nay tương đối thấp. Sở NN&PTNT tỉnh Đăk Lăk (2000) cho rằng có 4 hoạt động đe doạ tới đa dạng sinh học trong khu vực là phá rừng trồng cà phê, săn bắn, khai thác lâm sản trái phép và cháy rừng. Các giá trị khác Chưa có thông tin. Các dự án có liên quan Chưa có thông tin. Đánh giá nhu cầu bảo tồn Nhu cầu bảo tồn chưa được đánh giá. Kế hoạch quản lý Khu vực chưa xây dựng được kế hoạch quản lý. Sự phù hợp với các tiêu chí VCF Nam Nung hiện không phù hợp để được nhận tài trợ VCF do không đáp ứng được các tiêu chí về tầm quan trọng quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học.
Thể hiện các nhu cầu xã hội Chưa có báo cáo thể hiện nhu cầu xã hội.
Tài liệu tham khảo Anon. (1994) "Investment plan for Nam Nung Nature Reserve, Dac Lac province". Hanoi: Forest Inventory and Planning Institute. In Vietnamese. | ||||||||||||||||||||||||||||