Khu BTTN Bi Đúp-Núi Bà
Lịch sử hình thành Theo Quyết định số 194/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký ngày 9/8/1986, Bi Đúp - Núi Bà là hai khu bảo tồn thiên nhiên riêng biệt: Khu Núi Bà có diện tích 6.000 ha, và Khu Thượng Đa Nhim có diện tích 7.000 ha. Cả hai khu này về sau được nhập lại tạo nên cơ sở của việc thành lập khu bảo tồn thiên nhiên Bi Đúp-Núi Bà (Bộ NN&PTNT 1997). Trước năm 1993, khu vực này thuộc sự quản lý của các ban quản lý rừng đầu nguồn Đa Nhim, lâm trường Lạc Dương và rừng đặc dụng Lâm Viên. Từ ngày 22/12/1993, theo quyết định số 1496/QĐ-UBTC của UBND Tỉnh Lâm Đồng, ban quản lý Rừng đặc dụng Bi Đúp-Núi Bà được thành lập chịu trách nhiệm quản lý khu bảo tồn (Anon. 1995). Năm 1995, dự án đầu tư của khu Bi Đúp-Núi Bà đã được Viện điều tra Quy hoạch Rừng cùng với Chi Cục Kiểm Lâm Tỉnh Lâm Đồng xây dựng. Dự án đầu tư đã đề nghị thành lập khu bảo tồn thiên nhiên với diện tích 71.062 ha, bao gồm phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 50.503 ha và phân khu phục hồi sinh thái có diện tích 20.559 ha. Dự án đầu tư này đã được UBND Tỉnh Lâm Đồng phê duyệt và Bộ Lâm Nghiệp (cũ) thẩm định theo văn bản số 823/NN-KH-CV, ngày 28/12/1995. Ngày 26/12/2002, Ban quản lý rừng đặc dụng đã được xây dựng lại thành Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên theo Quyết định số 183/QĐ-UB của UBND Tỉnh Lâm Đồng. Ban quản lý hiện có 10 cán bộ và 6 trạm bảo vệ (Chi cục Kiểm lâm Tỉnh Lâm Đồng, 2003). Theo Chi cục Kiểm lâm Tỉnh Lâm Đồng (2003), tổng diện tích khu bảo tồn thiên nhiên là 64.366 ha, trực thuộc sự quản lý của Sở NN&PTNT Tỉnh Lâm Đồng. Bi Đúp-Núi Bà có trong danh lục các khu rừng đặc dụng Việt Nam đến năm 2010 được xây dựng bởi Cục Kiểm lâm - Bộ NN&PTNT với diện tích 64,000 ha (Cục Kiểm lâm, 2003), danh lục này hiện vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt. Địa hình và thủy văn Khu bảo tồn thiên nhiên Bi Đúp-Núi Bà ở huyện Lạc Dương nằm trong cao nguyên Đà Lạt. Địa hình khu bảo tồn là vùng đồi núi, hầu hết ở độ cao trên 1.400 m. Điểm cao nhất của khu bảo tồn là núi Lang Bian ở phía tây (hay Núi Bà), có độ cao 2.167m, và Núi Bi Đúp ở phía đông có độ cao 2.287m. Khu bảo tồn thiên nhiên có 3 hệ thuỷ chính. Phía đông khu bảo tồn là các con suối bắt nguồn từ xung quanh núi Bi Đúp chảy vào sông Đa Nhim rồi đổ vào thuỷ điện Đa Nhim. Phía tây khu bảo tồn, các con suối bắt nguồn xung quanh vùng núi Lang Bian chảy vào hồ Đăk Kia rồi đổ về sông Đah Dung. Cuối cùng, các con suối bắt nguồn ở phía bắc của khu bảo tồn thiên nhiên đổ vào sông Krông Nô, rồi chảy về phía tây bắc rồi sau đó đổi sang hướng Đông Bắc trước khi nhập vào sông Srêpôk. Đa dạng sinh học Có hai kiểu rừng chính ở Khu BTTN Bi Đúp-Núi Bà là rừng cây lá kim và rừng thường xanh. Rừng cây lá kim ưu thế bởi các loài Thông ba lá Pinus kesiya có số lượng ít hơn loài Thông nhựa P. merkusii. Loại rừng này có 21.019 ha tương đương 29% Diện tích khu bảo tồn (Anon. 1995). Rừng cây lá kim thuộc kiểu thảm thực vật được hình thành do kết quả của hiện tượng cháy rừng xảy ra liên tiếp; ở những nơi rừng không bị cháy thì hiện diện là kiểu rừng thường xanh cây lá rộng (Eames, 1995). Rừng thường xanh có diện tích 36.069 ha hay 51% diện tích khu bảo tồn (Anon. 1995). Có tỷ lệ lớn kiểu phụ rừng thường xanh lá rộng hỗn giao với rừng cây lá kim điển hình như các loài Thông Đà Lạt Pinus dalatensis, Bách xanh Calocedrus macrolepis, Pơ-mu Fokienia hodginsii và Thông nàng Podocarpus imbricatus. Rừng thường xanh cây lá rộng phân bố ở hai đai độ cao chính là núi thấp và núi cao. Rừng lá rộng thường xanh núi thấp ưu thế bởi các loài trong các họ Dẻ Fagaceae và Long não Lauraceae, có các loài Castanopsis indica, Lithocarpus spp., Quercus spp., Cinnamomum spp. và Litsea spp. Rừng thường xanh núi cao đặc trưng bởi sự hiện diện của các chi Trâm Syzygium và Đỗ quyên Rhododendron (Eames và Nguyễn Cử, 1994). Vùng núi cao, khu Bi Đúp- Núi Bà có một diện tích nhỏ (373 ha) đặc trưng bởi kiểu rừng lùn (Anon. 1995). Khu BTTN Bi Đúp-Núi Bà có thực vật đa dạng và đặc hữu ở mức cao. Trong thời gian điều tra thực địa trong năm 1993 và 1994 đã ghi nhận tổng số 827 loài thực vật có mạch trong vùng, trong đó có 87 loài đặc hữu cho vùng cao nguyên Trung bộ, Việt Nam. Biểu thị cho mức độ cao về tính đặc hữu của các loài thực vật là có 23 loài được mô tả trong vùng được mang tên gọi của các địa danh trong vùng như dalatensis, bidoupensis hay langbianensis (Anon 1995). Có nhiều loài cây tìm thấy ở vùng Bi Đúp-Núi Bà được ghi trong Sách đỏ Việt Nam hay Danh sách các loài thực vật bị đe dọa toàn cầu. Khu hệ động vật của Khu BTTN Bi Đúp-Núi Bà cũng rất đa dạng về thành phần loài, và đặc trưng bởi tính đặc hữu cao. Hiện đã ghi nhận được tất cả 382 loài động vật có xương sống ở trong khu bảo tồn, bao gồm 89 loài thú, 202 loài chim, 62 loài bò sát và 29 loài ếch nhái (Anon. 1995). Các loài thú quan trọng về mặt bảo tồn đã ghi nhận tại đây bao gồm Vượn má hung Hylobates gabriellae và Bò tót Bos gaurus (Eames và Nguyễn Cử 1994). Thêm vào đó, dự án đầu tư đã cho thấy đã phát hiện được loài Mang lớn là loài đặc hữu Đông Dương Megamuntiacus vuquangensis ở trong ranh giới khu bảo tồn thiên nhiên (Anon. 1995). Khu BTTN Bi Đúp-Núi Bà nằm giữa Vùng Chim đặc hữu Cao nguyên Đà Lạt (Stattersfield et al. 1998). Bảy trong số tám loài chim có vùng phân bố hẹp hiện có trong khu vực này, đó là Trĩ sao Rheinardia ocellata, Trèo cây mỏ vàng Sitta solangiae, Khướu đầu đen Garrulax milleti, Khướu đầu xám G. vassali, Khướu đầu đen má xám G. yersini, Khướu mỏ dài Jabouilleia danjoui và Sẻ thông họng vàng Carduelis monguilloti (Eames 1995). Bi Đúp-Núi Bà có hai khu vực được công nhận là vùng chim quan trọng của Việt Nam là Langbian và Bi Đúp (Tordoff 2002). Các vấn đề về bảo tồn Mức độ chung về sự tác động của con người lên khu bảo tồn không lớn. Một trong các mối đe dọa lớn nhất đến đa dạng sinh học là tập quán du canh, kết hợp với hiện tượng cháy rừng cây lá kim, trong đó loài ưu thế là Thông ba lá Pinus kesiya, dẫn đến làm mất rừng. Giá trị đa dạng sinh học của rừng cây lá kim thấp hơn so với rừng thường xanh, điều này phần nào làm giảm giá trị đa dạng sinh học của khu bảo tồn (Eames và Nguyễn Cử 1994). Để nối liền các mảnh rừng thường xanh còn lại với nhau, Eames và Nguyễn Cử (1994) đã đưa ra đề xuất cần bảo vệ tốt hành lang rừng thông nhằm tăng thúc đẩy quá trình diễn thế sinh thái với rừng thường xanh. Cùng với hiện tượng du canh, một trong các nguyên nhân chính làm mất rừng ở Bi Đúp-Núi Bà là hiện tượng đốt than và lấy củi. Đốt than dẫn đến việc làm huỷ hoại phần lớn rừng thường xanh ở vùng núi Bà. Qua thực tế chợ bán than củi ở thành phố Đà Lạt, cho thấy việc mở rộng khu trung tâm đô thị sẽ dẫn đến làm tăng sức ép lên các nguồn tài nguyên rừng ở Khu BTTN Bi Đúp-Núi Bà (Eames và Nguyễn Cử 1994). Trong vài năm trước, nhiều diện tích trong Khu BTTN Bi Đúp-Núi Bà do lâm trường quản lý với hoạt động chính là khai thác gỗ với mục đích thương mại, tập trung vào khai thác chọn các loài cây có giá trị kinh tế cao như Pơ-mu Fokienia hodginsii. Hệ thống đường khai thác đã được xây dựng dọc theo bìa rừng thường xanh để tiện việc khai thác các loài đó. Hiện nay các hoạt động khai thác thương mại trong vùng đã chấm dứt (Eames và Nguyễn Cử 1994). Mặc dù tình trạng khai thác gỗ lậu đã chấm dứt nhưng tại khu vực hiện đang có kế hoạch xây dựng tuyến đường nối Thành phố Đà Lạt với Tỉnh Ninh Thuận đi qua phần phía đông nam của khu bảo tồn. Nếu công trình được phê duyệt sẽ phá hủy hàng loạt các sinh cảnh tự nhiên, tình trạng khai thác lâm sản trái phép sẽ phục hồi, dân cư sẽ di chuyển đến sinh sống trong khu vực. Các mối đe dọa khác đến đa dạng sinh học ở vùng Bi Đúp-Núi Bà là việc khai thác quá mức các sản phẩm phi gỗ như thu hái phong lan để bán ở thành phố Đà Lạt (Eames và Nguyễn Cử 1994). Một trong những vấn đề liên quan đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong vùng là đỉnh Langbian lại không nằm trong khu bảo tồn. Đỉnh núi này nằm liền kề phía ngoài khu bảo tồn, đây chính là nơi đã thu mẫu vật của loài chim mới đang bị đe dọa trên toàn cầu ở mức nguy cấp Mi núi Bà Crocias langbianis - loài đặc hữu vùng nam Cao nguyên Đà Lạt. Hiện tại, các giá trị đa dạng sinh học của Núi Langbian đang bị đe dọa do phát triển du lịch không bền vững, bao gồm cả việc xây dựng tuyến đường tham quan lên đến đỉnh và các hoạt động kinh doanh buôn bán động vật hoang dã tại các nhà hàng trên núi. Các giá trị khác Giá trị kinh tế cơ bản của Khu BTTN Bi Đúp- Núi Bà là bảo vệ rừng đầu nguồn. Mất đi độ che phủ rừng sẽ dẫn đến kết quả là làm tăng lên một cách nghiêm trọng hậu quả của cả lũ lụt và hạn hán, gây tác động nguy hại đối với các cộng đồng dân cư sinh sống ở vùng hạ lưu, dựa vào nguồn nước các dòng suối bắt nguồn từ khu bảo tồn phục vụ cho việc tưới tiêu và sinh hoạt hàng ngày. Khu vực rừng nằm trên các đai cao ở phía đông khu bảo tồn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ vùng đầu nguồn đập chứa nước của nhà máy thuỷ điện Đa Nhim. Khu bảo tồn có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, về mặt lý thuyết nguồn thu nhập từ các hoạt động này sẽ phần nào đóng góp cho các hoạt động bảo tồn trong khu vực. Tuy nhiên, trước các tác động thực tế đến môi trường của sự phát triển du lịch tại Núi Lang Bian, cộng với năng lực hạn chế của ban quản lý thì các biện pháp phù hợp cần phải được nhanh chóng thực thi nhằm giảm bớt tình trạng này. Các dự án có liên quan Chương trình 661 Quốc gia hiện đang hỗ trợ kinh phí cho các hợp đồng giao khoán bảo vệ 13.000 ha rừng tự nhiên tại khu bảo tồn. Đánh giá nhu cầu bảo tồn Nhu cầu bảo tồn đã được tiến hành đánh giá vào tháng 11/2003 do Birdlife International phối hợp cùng Ban Quản lý Khu BTTN Bi Đúp- Núi Bà với sự hỗ trợ của Dự án Bảo tồn VQG Cát Tiên. Dựa trên các đánh giá về giá trị đa dạng sinh học cũng như các mối đe dọa trực tiếp và gián tiếp, tổng số 19 hoạt động cần ưu tiên để nhận tài trợ của VCF đã được xác định: · Tăng cường phối hợp với các hoạt động bảo vệ rừng của dân cư địa phương. Giáo dục nâng cao nhận thức
Kế hoạch quản lý Kế hoạch quản lý cũng đã được xây dựng tháng 11/2003 do Birdlife International phối hợp cùng Ban Quản lý Khu BTTN Bi Đúp- Núi Bà với sự hỗ trợ của Dự án Bảo tồn VQG Cát Tiên. Các hoạt động quản lý cần được ưu tiên đã được xác định: 1. Tăng cường năng lực cho ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên. 2. Kiểm soát tình trạng khai thác quá mức các LSPG. 3. Kiểm soát săn bắn, bẫy bắt các loài động vật. 4. Kiểm soát cháy rừng. 5. Tiến hành các mục tiêu nghiên cứu đa dạng sinh học. 6. Hoạch định ranh giới khu bảo tồn. 7. Tiến hành các chương trình giáo dục nâng cao nhận thức. 8. Khuyến kích cộng đồng địa phương tham gia vào công tác bảo tồn. Sự phù hợp với các tiêu chí VCF Bi Đúp-Núi Bà phù hợp với các mục đích đầu tư của VCF do đáp ứng đầy đủ các tiêu chí A, B và C.
Thể hiện các nhu cầu xã hội Báo cáo thể hiện nhu cầu xã hội được tiến hành tháng 11/2003. Khu vực đã đáp ứng các tiêu chí A, B và C, Bi Đúp-Núi Bà không đáp ứng tiêu chí D do Ban quản lý chưa tiến hành thương lượng, lấy cam kết của cộng đồng địa phương về việc tuân theo các hình thức, mức độ khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong khu bảo tồn.
Tài liệu tham khảo Anon. (1990) "Investment plan for Da Nhim Hydropower Reservoir Watershed Protection Forest". Da Lat: Da Nhim Watershed Protection Forest Management Board. In Vietnamese. Anon. (1995) "Investment plan for Bi Dup-Nui Ba Nature Reserve, Lam Dong province". Hanoi: Forest Inventory and Planning Institute. In Vietnamese. Anon. (1995) "Summary of investment plan for Bi Dup-Nui Ba Nature Reserve, Lam Dong province". Hanoi: Forest Inventory and Planning Institute. In Vietnamese. Anon. (1995) Feasibility study of the Bidup-Nuiba Natural Reserve in Lam Dong: summary. Unofficial translation by BirdLife International. Davis, S. D., Heywood, V. H. and Hamilton, A. C. eds. (1995) Centres of plant diversity: a guide and strategy for their conservation. Cambridge, U.K.: WWF and IUCN. Eames, J. C. (1995) Endemic birds and protected area development on the Da Lat plateau, Vietnam. Bird Conservation International 5(4): 491-523. Eames, J. C. and Nguyen Cu (1994) "A management feasibility study of Thuong Da Nhim and Chu Yang Sin Nature Reserves on the Da Lat plateau, Vietnam". Hanoi: WWF Vietnam Programme and the Forest Inventory and Planning Institute. In Vietnamese. Eames, J. C. and Nguyen Cu (1994) A management feasibility study of Thuong Da Nhim and Chu Yang Sin Nature Reserves on the Da Lat plateau, Vietnam. Hanoi: WWF Vietnam Programme and the Forest Inventory and Planning Institute. Eames, J. C. and Robson, C. R. (1993) Threatened primates in southern Vietnam. Oryx 27(3): 146-154. Eames, J. C., Robson, C. R. and Nguyen Cu (1994) A new subspecies of Spectacled Fulvetta Alcippe ruficapilla from Vietnam. Forktail 10: 141-158. Tordoff, A. W. ed. (2002) Directory of important bird areas in Vietnam: key sites for conservation. Hanoi: BirdLife International in Indochina and the Institute of Ecology and Biological Resources. | ||||||||||||||||||||||||||||