Khu Đề xuất BTTN Tây Côn Lĩnh

Tên khác:

Tây Côn Lĩnh I, Tây Côn Lĩnh II

Tỉnh:

Hà Giang

Diện tích

40.344 ha

Tọa độ:

22°39' - 22°50' N, 104°39' - 104°59' E

Vùng sinh thái nông nghiệp:

Đông Bắc

Có quyết định của Chính phủ:

Chưa

Đã thành lập Ban Quản lý:

Đã được xây dựng kế hoạch đầu tư:

Đáp ứng các tiêu chí của VCF:

A, B, C

Đáp ứng các tiêu chí xã hội:

Không

Báo cáo đánh giá nhu cầu bảo tồn:

Không

Kế hoạch quản lý:
Không

Đánh giá công cụ theo dõi:

Không

Có bản đồ vùng:

Không


Lịch sử hình thành

Tây Côn Lĩnh chưa có trong các quyết định của Chính Phủ về rừng đặc dụng (Bộ NN&PTNT, 1997). Tuy vậy, Viện Điều tra Quy hoạch Rừng đã hoàn thành hai dự án đầu tư vào tháng 7 năm 1994 nhằm thành lập hai khu bảo tồn thiên nhiên nằm sát nhau là Tây Côn Lĩnh I và Tây Côn Lĩnh II (Anon. 1994 a,b). Theo dự án đầu tư Tây Côn Lĩnh I có diện tích 18.790 ha nằm phía bắc của dẫy Tây Côn Lĩnh trong khi Tây Côn Lĩnh II có diện tích 21.554 ha nằm phía nam của khu vực (Anon. 1994 a,b). Cả hai bản kế hoạch đầu tư này đều được UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt ngày 21/09/1994 và sau đó được Bộ NN&PTNT chấp thuận (Chi cục kiểm lâm Hà Giang, 2000). Sau khi kế hoạch đầu tư được phê duyệt, ban quản lý của từng khu vực đã được thành lập theo Quyết định số 646/QĐ-UB của UBND tỉnh Hà Giang, ngày 24/11/1994 (Chi cục kiểm lâm Hà Giang, 2000).

Năm 2000, Bộ NN&PTNT yêu cầu Viện Điều tra Quy hoạch Rừng chuẩn bị xây dựng kế hoạch đầu tư cho một khu bảo tồn duy nhất là Tây Côn Lĩnh (kết hợp hai khu đề xuất bảo tồn thiên nhiên Tây Côn Lĩnh I và Tây Côn Lĩnh II). Tây Côn Lĩnh hiện thuộc sự quản lý của Chi cục kiểm lâm Hà Giang (Phan Quốc Toản, Giám đốc khu bảo tồn thiên Tây Côn Lĩnh, 2003).

Tây Côn Lĩnh có trong danh lục các khu rừng đặc dụng Việt Nam đến năm 2010 do Cục Kiểm lâm - Bộ NN&PTNT xây dựng với diện tích 40.344 ha (Cục Kiểm lâm, 2003), danh lục này hiện vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, theo ông Phan Quốc Toản - Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tây Côn Lĩnh, diện tích khu vực là 28.268 ha trong khi đó diện tích vùng đệm vẫn chưa được xác định.

Địa hình và thủy văn

Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Côn Lĩnh nằm ở địa phận huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, phía tây khu bảo tồn tiếp giáp với thị xã Hà Giang, phía tây bắc là biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

Khu bảo tồn thiên nhiên nằm trên dãy núi Tây Côn Lĩnh, đây là dãy núi cao nhất của tỉnh Hà Giang, và cũng là điểm cao nhất tại khu vực phía đông của sông Hồng tại Việt Nam. Khu bảo tồn nằm trong vùng địa hình đồi núi dốc. Đỉnh Tây Côn Lĩnh cao 2.616 m và thấp dần xuống độ cao 100 m về phía đông nam của khu bảo tồn. Tây Côn Lĩnh đặc trưng về mặt địa chất bởi hỗn hợp núi đá vôi và đá granic.

Tây Côn Lĩnh nằm trong đường phân nước của hai hệ thống chứa nước, các con sông bắt nguồn từ phía tây của khu bảo tồn chảy theo hướng tây và đổ vào sông Chảy, đây là con sông cung cấp nguồn nước chính cho Hồ Thác Bà. Các con sông, suối bắt nguồn từ phía đông chảy theo hướng đông đổ vào sông Lô rồi nhập vào sông Hồng tại địa phận tỉnh Phú Thọ.

Đa dạng sinh học

Khu đề xuất bảo tồn Tây Côn Lĩnh hiện có 17.689 ha diện tích rừng tự nhiên, chiếm 44% tổng diện tích toàn khu (Anon. 1994a,b). Hầu hết các khu vực còn lại là các sinh cảnh trảng cỏ, cây bụi và diện tích đáng kể đất nông nghiệp. Rừng thường xanh trên núi thấp, núi cao là các kiểu rừng chính hiện gặp ở Tây Côn Lĩnh. Khu hệ thực vật ưu thế bởi các loài thuộc họ Dẻ Fagaceae, Thầu dầu Euphorbiaceae, Long não Lauraceae và Dâu tằm Moraceae. Theo dự án đầu tư (Anon. 1994a,b), có 236 loài thực vật bậc cao có mạch đã ghi nhận từ khu bảo tồn. Điều đáng chú ý là nhóm cây hạt trần rất đa dạng ở vùng Tây Côn Lĩnh, bao gồm các loài như Thông tre lá ngắn Podocarpus brevifolius, Kim giao Decussocarpus wallichianus, Hoàng đàn Cupressus torulosa và Pơ-mu Fokienia hodginsii (Anon. 1994a,b).

Theo kế hoạch đầu tư (Anon. 1994a,b), khu hệ động vật đã ghi nhận 46 loài thú, 114 loài chim, 18 loài bò sát và 11 loài ếch nhái. Tuy nhiên, các số liệu này cần được điều tra khẳng định thêm.

Trong hai tháng 4,5 năm 2000, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ (AMNH), Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật (IEBR) đã tiến hành điều tra khảo sát đa dạng sinh học vùng núi Tây Côn Lĩnh. Đợt điều tra đặc biệt tập trung vào các nhóm bò sát, ếch nhái, thú nhỏ và chim. Kết quả đợt điều tra đã ghi nhận 6 loài bò sát, 38 loài lưỡng cư, hầu hết các loài này trước đây đã từng được ghi nhận tại Lào Cai và Cao Bằng. Tuy nhiên, có hai trong số 38 loài lưỡng cư đã được mô tả là loài mới cho Việt Nam (R. Bain & C. Vogel in litt. 2000). Ngoài ra, đợt khảo sát đã ghi nhận được 17 loài thú nhỏ trong đó có một loài Chuột mới cho khoa học là Chodsigoa caovansunga (Lunde et al. 2003).

Trong đợt khảo sát của AMNH/IEBR, tổng số 105 loài chim đã được ghi nhận tại vùng núi Tây Côn Lĩnh trong đó có một loài bị đe dọa toàn cầu là Trèo cây lưng đen Sitta formosa và một giống chưa được mô tả là Khướu mỏ dài Jabouilleia danjoui (Vogel et al. 2003). Năm 2002, Tây Côn Lĩnh được đưa vào hệ thống các Vùng chim quan trọng của Việt Nam (Tordoff 2002).

Các vấn đề về bảo tồn

Theo Chi cục Kiểm lâm Hà Giang (2003), tình trạng phá rừng làm nương rẫy, cháy rừng và khai thác lâm sản trái phép là các nguyên nhân chính tác động đến đa dạng sinh học tại Tây Côn Lĩnh. Hiện nay có gần 12.000 người thuộc các nhóm dân tộc Dao, Tày, H'mông, Cổ Lão và người Hoa sống trong gianh giới khu bảo tồn. Một số khu vực rừng quan trọng nằm bên trong khu bảo tồn đã biến thành đất nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi. (Chi cục Kiểm lâm Hà Giang 2003, Phan Quốc Toản, Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tây Côn Lĩnh, 2003).

R. Bain & C. Vogel (in litt. 2000) cho rằng trước đây khai thác lâm sản trái phép là mối đe dọa chính đối với đa dạng sinh học. Phần lớn dân tộc người Dao canh tác nông nghiệp ở độ cao 1.200 m và thường xuyên vào rừng săn bắn, khai thác lâm sản tại các khu vực cao hơn. Theo thông tin phỏng vấn từ dân dịa phương thì quần thể các loài động thực vật đã giảm sút nghiêm trọng trong 30 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, các loài chim đã và đang bị săn bắn nghiêm trọng, một số loài là đối tượng săn bắn chính của dân địa phương như: Hồng Hoàng, Cao cát, Vẹt, các loài Gà lôi và chim ăn thịt... Kết quả là trong suốt quá trình điều tra có rất ít các thông tin ghi nhận về các loài này tại khu vực (Vogel et al. 2003).

Tây Côn Lĩnh là một trong ba khu đề xuất bảo tồn thiên nhiên nằm dọc theo biên giới Việt Nam - Trung Quốc ở phía tây của tỉnh Hà Giang. Hai khu bảo tồn khác cũng nằm trong vùng biên giới là Phong Quang và Bát Đại Sơn (xem các phiếu thông tin). Ba khu bảo tồn thiên nhiên này hiện đang bảo vệ diện tích đáng kể rừng trên núi cao tại bắc Việt Nam. Trong tương lai, rất có thể thông qua chương trình trồng rừng sẽ tạo ra các hành lang giữa ba khu vực làm tăng giá trị bảo tồn.

Các giá trị khác

Khu bảo tồn Tây Côn Lĩnh đóng vai trò quan trọng bảo vệ rừng đầu nguồn cho dân cư trong vùng. Dân cư người Dao sử dụng nước từ các con suối bắt nguồn từ khu bảo tồn thiên nhiên để sinh hoạt và phục vụ sản xuất nông nghiệp (R. Bain & C. Vogel in litt. 2000). Do Tây Côn Lĩnh nằm bên cạnh thị xã Hà Giang, có thể coi đây là một địa điểm có giá trị về khả năng thành lập một nơi vui chơi giải trí.

Các dự án có liên quan

Chưa có thông tin.

Đánh giá nhu cầu bảo tồn

Nhu cấu bảo tồn chưa được đánh giá.

Kế hoạch quản lý

Khu vực chưa xây dựng được kế hoạch quản lý.

Sự phù hợp với các tiêu chí VCF

Tây Côn Lĩnh phù hợp để được nhận tài trợ VCF do đáp ứng được các tiêu chí A, B, C.

Tiêu chí

Sự phù hợp

AI

NH2 - Cao nguyên đá vôi Bắc Bộ

AII

VN054 - Tây Côn Lĩnh

BI

Đề xuất rừng đặc dụng

BII

Bảo tồn thiên nhiên

BIII

Thuộc sự quản lý của UBND tỉnh

CI

Ban quản lý đã thành lập

CII

 

Thể hiện các nhu cầu xã hội

Báo cáo đánh giá nhu cầu xã hội chưa được thực hiện.

Tiêu chí

Sự phù hợp

A

 

B

 

C

 

D

 

Tài liệu tham khảo

Anon. (1994a) "Investment plan for Tay Con Linh I Nature Reserve". Hanoi: Forest Inventory and Planning Institute. In Vietnamese.

Anon. (1994b) "Investment plan for Tay Con Linh II Nature Reserve". Hanoi: Forest Inventory and Planning Institute. In Vietnamese.

Lunde, D. P., Musser, G. G. and Nguyen Truong Son (2003) A survey of small mammals from Mt. Tay Con Linh II, Vietnam, with the description of a new species of Chodsigoa (Insectivora: Soricidae). Mammal Study 28: 31-46.

Tordoff, A. W. ed. (2002) Directory of important bird areas in Vietnam: key sites for conservation. Hanoi: BirdLife International in Indochina and the Institute of Ecology and Biological Resources.

Vogel, C. J., Sweet, P. R., Le Manh Hung and Hurley, M. M. (2003) Ornithological records from Ha Giang province, north-east Vietnam, during March-June 2000. Forktail 19: 21-30.