Khe Sanh – Ngày 29/06/2015, Hội thảo tổng kết dự án Toyota và khảo sát, đánh giá hiện trạng các mô hình trồng mây tại Quảng Trị trong 10 năm (2004-2014) đã diễn ra tại Thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị dưới sự tổ chức của Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Việt và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị. Dự án Toyota với tên gọi “Khuyến khích tinh thần làm chủ của cộng đồng địa phương với tài nguyên rừng, hướng tới chia sẻ công bằng lợi ích từ rừng, cải thiện sinh kế và bảo tồn các loài động vật bị đe dọa tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị” được thực hiện bởi Văn phòng BirdLife International Châu Á, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị dưới sự tài trợ của Công ty Toyota Nhật Bản.
Tại hội thảo, đại diện Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt đã tổng kết về hoạt động đánh giá hiện trạng các mô hình trồng mây tại tỉnh Quảng Trị trong 10 năm (2004-2014) trên địa bàn hai huyện Đakrong và Hướng Hóa. Trong các năm qua, nhiều dự án do các nhà tài trợ trong và ngoài nước đầu tư như BCC, BirdLife International Vietnam Programme, hay DANIDA đã được thực hiện rộng rãi trong địa bàn tình, tuy nhiên, tính đến nay, chưa có mô hình nào thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Hầu hết mây trồng tại các mô hình đều kém phát triển, một số mô hình cho mây trồng tốt lại không đáp ứng đúng nhu cầu thị trường, khiến người dân lâm vào tình thế khó khăn. Từ hiện trạng các mô hình đó, nhóm đánh giá đã đưa ra nhận xét và một số kiến nghị nhằm phát triển các mô hình tương tự trong tương lai.
Cũng trong hội thảo, đại diện Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt cũng tóm tắt về hoạt động và kết quả của dự án Toyota pha II 2014-2015. Một trong những điểm mới của dự án so với các mô hình đã thực hiện trước đó là kết hợp giao khoán bảo vệ rừng và đầu tư làm giàu rừng, cải thiện sinh kế của người dân. Trước đó, pha I của dự án thực hiện năm 2012-2013 đã nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân cũng như sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, do đó, pha II tiếp tục nhân rộng mô hình ra các khu vực khác. Tính đến nay, dự án đã đạt được những thành tựu đáng kể, quan trọng nhất là giao khoán 120 ha rừng tự nhiên cho 24 hộ gia đình trong thôn Hồ, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa; đồng thời giúp họ đầu tư trồng 24 ha mây ngay dưới tán rừng được giao khoán để nâng cao sinh kế.
Dựa trên bài trình bày của Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Việt, các đại biểu đã sôi nổi đóng góp ý kiến đồng thời giới thiệu các mô hình khác có thể có hiệu quả trong việc cải thiện đời sống của người dân và kết hợp bảo vệ và phục hồi sinh cảnh rừng tự nhiên. Đặc biệt, đại diện các cơ quan như WWF Thừa Thiên Huế hay Phòng NN&PTNT huyện Đakrong cũng trao đổi những kinh nghiệm thiết thực trong việc phát triển và triển khai các mô hình trồng mây trên địa bàn. Đây sẽ là những thông tin quý báu trong việc phát triển và áp dụng các mô hình trồng mây trong tương lai của Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt nói riêng và các dự án khác nói chung.