Khu Đề xuất BTTN Ea Sô

Tên khác:

Eaka, Ea Kar

Tỉnh:

Đăk Lăk

Diện tích:

22.000 ha

Tọa độ:

12°49' - 13°02' N, 108°29' - 108°44' E

Vùng sinh thái nông nghiệp:

Tây Nguyên

Có quyết định của Chính phủ:

Chưa

Đã thành lập Ban Quản lý:

Đã được xây dựng kế hoạch đầu tư:

Đáp ứng các tiêu chí của VCF:

A, B, C

Đáp ứng các tiêu chí xã hội:

Không

Báo cáo đánh giá nhu cầu bảo tồn:

Không

Kế hoạch quản lý:

Không

Đánh giá công cụ theo dõi:

Không

Có bản đồ vùng:

Không


Lịch sử hình thành

Trước năm 1988, khu vực Ea Sô do Lâm trường Ea Kar quản lý. Năm 1998, Trường Đại học Nông lâm Tây Nguyên đã xây dựng dự án đầu tư cho Khu BTTN Ea Sô (Anon. 1998). Trong dự án đầu tư, khu bảo tồn này có diện tích 27.800 ha, trong đó diện tích phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 15.959 ha, phân khu phục hồi sinh thái là 9.816 ha và phân khu hành chính dịch vụ là 2.025 ha. Dự án đầu tư cũng đề xuất vùng đệm có diện tích 34.981 ha. Đến ngày 25/3/1999, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đăk Lăk đã phê duyệt dự án đầu tư theo Quyết định số 598/QĐ-UB, và Bộ NN&PTNT cũng đã thẩm định dự án này (Sở NN&PTNT Đăk Lăk, 2000).

Ngày 21/4/1999, UBND tỉnh đã quyết định thành lập Ban Quản lý Khu BTTN Ea Sô. Hiện tại, Ban quản lý có 49 biên chế và 6 cán bộ hợp đồng trực thuộc sự quản lý của Sở NN&PTNT Đăk Lăk (2000, 2003). Ea Sô có trong danh lục các khu rừng đặc dụng Việt Nam đến năm 2010 do Cục Kiểm lâm - Bộ NN&PTNT xây dựng với diện tích 22.000 ha (Cục Kiểm lâm, 2003), danh lục này hiện vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt.

Địa hình và thủy văn

Ea Sô nằm ở trung tâm Tây Nguyên. Địa hình bị chia cắt bởi suối Ea Puich chảy theo hướng đông tây. Suối này bắt nguồn từ các dãy núi thấp ở phía bắc, còn về phía nam là vùng hạ lưu có độ cao khoảng 300 m so với mặt biển. Độ cao tuyệt đối của khu vực biến động từ 140 m tại thung lũng suối Ea Puich đến 1.046 m nằm trên phần phía tây bắc dãy núi Chư Ble Ya. Tất cả sông suối trong khu vực đều chảy về sông Ba, chảy qua tỉnh Phú Yên sau đó đổ ra biển tại thị xã Tuy Hoà.

Đa dạng sinh học

Khu đề xuất Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô có nhiều dạng sinh cảnh khác nhau, trong đó có 11.274 ha rừng thường xanh, 4.513 ha rừng nửa rụng lá và 144 ha rừng rụng lá. Trong khu vực còn có các trảng cỏ tự nhiên phân bố rải rác, là sinh cảnh quan trọng đối với các loài thú lớn, đặc biệt đối với các loài thuộc họ Mèo (Anon. 1998). Dự án đầu tư đã ghi nhận 709 loài thực vật thuộc 139 họ (Anon. 1998), trong đó có 14 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam.

Trong khu đề xuất có các quần thể của các loài thú lớn đang bị đe dọa ở mức toàn cầu. Đặc biệt đáng chú ý là các quần thể loài Bò tót Bos gaurus và Bò rừng B. javanicus (Duckworth và Hedges 1998). Trong danh lục động vật của dự án đầu tư còn ghi nhận có cả Voi Elephas maximus và Hổ Panthera tigris. Tuy nhiên, Duckworth và Hedges cho rằng Voi đã bị diệt chủng trong khu vực, con Voi cuối cùng đã bị bắn vào những năm 1980. Đồng thời, hai tác giả cũng cho rằng thông tin về sự xuất hiện của Hổ trong khu vực chưa được xác nhận. Một loài thú khác có ý nghĩa quan trọng đối với công tác bảo tồn là loài Rái cá lông mượt Lutra perspicillata, đã nhìn thấy 6 cá thể của này trên các tảng đá dọc theo suối Ea Puich năm 1997 (Duckworth và Lê Xuân Cảnh 1998).

Trong đợt điều tra năm 1998, Brickle et al. (1998) đã ghi nhận được hai loài chim đang bị đe dọa trên toàn cầu là Công Pavo munticus và Bồ câu nâu Columba punicea, trong khi đó loài chim bị đe dọa toàn cầu thứ 3 là Gà tiền mặt đỏ Polyplectron germaini được ghi nhận tại khu vực liền kề, hiện vẫn chưa có ghi nhận chính thức về loài này tại khu bảo tồn. Do có tầm quan trọng quốc tế trong công tác bảo tồn chim nên Ea Sô đã được công nhận là một trong số các vùng chim quan trọng tại Việt Nam (Tordoff 2002).

Các vấn đề về bảo tồn

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đăk Lăk (2000), những mối đe doạ chủ yếu đối với đa dạng sinh học trong khu vực là săn bắn động vật, khai thác trái phép lâm sản và phá rừng lấy đất canh tác. Những mối đe doạ này càng ngày càng trở nên nghiêm trọng đối với khu bảo tồn, bởi áp lực tăng dân số cơ học do di dân từ miền Bắc và các nơi khác trong tỉnh Đăk Lăk tới xã Ea Sô. Hiện nay, chỉ có 134 người sống trong khu bảo tồn, nhưng có trên 3.700 người sống trong vùng đệm (Sở NN&PTNT tỉnh Đăk Lăk, 2000).

Việc săn bắn động vật đe doạ nghiêm trọng đến các loài thú lớn ở Ea Sô. Theo Lê Xuân Cảnh cùng cộng sự (1997), ít nhất có 3 con Bò tót và 4 con Bò rừng đã bị bắn trong khu vực từ 1995 - 1996. Việc săn bắn trái phép các loài động vật vẫn tiếp diễn từ khi thành lập Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên (Vietnam News, 2003). Các quần thể của các loài thú lớn còn lại rất ít cho thấy mức độ săn bắn hiện nay là rất nghiêm trọng.

Chính phủ Việt Nam đang có kế hoạch xây dựng quốc lộ xuyên qua khu bảo tồn đề xuất nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng cho vùng sâu, nối liền tỉnh Đăk Lăk với Phú Yên. Quốc lộ này sẽ làm tăng khả năng xâm nhập vào các khu vực rừng và trảng cỏ tự nhiên dẫn tới khả năng tác động của con người tới khu bảo tồn sẽ tăng lên. Ngoài ra, việc mở đường còn tăng khả năng di dân tới sinh sống trong khu vực.

Tình trạng di dân tự do vào diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đang là một trong những vấn đề nan giải cho công tác bảo vệ. Theo báo Lao Động (2003b) UBND huyện Ea Kar sẽ tái định cư, di dời 31 hộ từ khu bảo vệ nghiêm ngặt và 11 hộ tại khu phục hồi sinh thái, đây là những hộ gia đình di cư từ miền Bắc Việt Nam vào từ năm 1997.

Một trong những vấn đề đáng quan tâm liên quan đến công tác bảo tồn tại Ea Sô là tình trạng chăn nuôi gia súc. Theo báo Lao Động (2003a) một phần diện tích của khu bảo tồn đã cho Công ty Cà phê Phúc An thuê để chăn thả gia súc.

Các giá trị khác

Khu đề xuất bảo tồn thiên nhiên này đóng một vai trò quan trọng đối với việc phòng hộ đầu nguồn hệ thống sông Ba, là sông quan trọng nhất của tỉnh Phú Yên (Anon. 1998).

Các dự án có liên quan

Dự án 661 Nhà nước hiện đang hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động lâm nghiệp tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô.

Đánh giá nhu cầu bảo tồn

Nhu cầu bảo tồn chưa được tiến hành đánh giá.

Kế hoạch quản lý

Kế hoạch quản lý chưa được xây dựng.

Sự phù hợp với các tiêu chí VCF

Ea Sô phù hợp với các mục đích đầu tư của VCF do đáp ứng được các tiêu chí A, B và C.

Tiêu chí

Sự phù hợp

AI

SA1 -Tổ hợp Ea Sô

AII

VN033 -Ea Sô

BI

Đề xuất rừng đặc dụng

BII

Bảo tồn thiên nhiên

BIII

Chịu sự quản lý của UBND tỉnh

CI

Ban quản lý đã thành lập

CII

 

Thể hiện các nhu cầu xã hội

Chưa có báo cáo thể hiện nhu cầu xã hội.

Tiêu chí

Sự phù hợp

A

 

B

 

C

 

D

 

Tài liệu tham khảo

Anon. (1998) "Investment plan for Ea Sô Nature Reserve". Buon Ma Thuot: Department of Agroforestry, Tay Nguyen University. In Vietnamese.

Brickle, N. W., Nguyen Cu, Ha Quy Quynh, Nguyen Thai Tu Cuong and Hoang Van San (1998). The status and distribution of Green Peafowl Pavo muticus in Dak Lak province, Vietnam. Hanoi: BirdLife International Vietnam Programme and the Institute of Ecology and Biological Resources.

Duckworth, J. W. and Hedges, S. (1998) Tracking tigers: a review of the status of Tiger, Asian Elephant, Gaur and Banteng in Vietnam, Lao, Cambodia and Yunnan province (China) with recommendations for future conservation action. Hanoi: WWF Indochina Programme.

Duckworth, J. W. and Le Xuan Canh (1998) The Smooth-coated Otter Lutrogale perspicillata in Vietnam. IUCN Otter Specialist Group Bulletin 15(1): 38-42.